Nhân quyền vẫn còn là giấc mơ của nhiều người - Dân Làm Báo

Nhân quyền vẫn còn là giấc mơ của nhiều người

Phương Duy (Danlambao) - Ngày 13 tháng Năm 2010, Libya đã được bầu chọn trở thành một trong 47 thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC). Dù với cái hồ sơ vi phạm nhân quyền tồi tệ dưới sự cai trị tàn ác của nhà độc tài Muanmar Gaddafi, quốc gia này vẫn nhận được 155 phiếu thuận trong tổng số 192 hội viên để có được một ghế trong hội đồng nhân quyền LHQ (1). Với kết quả trên, Liên Hiệp Quốc đã gây nên một cuộc tranh cãi sôi nổi khắp thế giới. Đặc biệt, tổ chức này đã phải chịu đựng những chỉ trích nặng nề từ các tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGOs) như các tổ chức Ân Xá Quốc Tế (AI), Giám Sát Nhân Quyền (HRW), Nhân Quyền Không Biên Giới (HRWF), Tổ Chức Thế Giới chống Tra Tấn (WOAT)… vì đã để cho một chế độ tàn tệ như chế độ Gaddafi ngồi chễm chệ trên ghế của một cơ quan có quyền hạn phán xét tình trạng nhân quyền các quốc gia khác(2). Chính quyền côn đồ của các quốc gia China, Cuba, Bắc Hàn, Syria đã vi phạm trầm trọng những quy tắc căn bản của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (UDHR), đồng thời liên tục đàn áp thẳng tay chính nhân dân của họ. Đáng lẽ với tình trạng hồ sơ nhân quyền tồi tệ như thế, những quốc gia trên phải bị tẩy chay và cấm không được tham dự vào hội đồng nhân quyền này cho tới khi nào tình trạng nhân quyền trong nước họ được cải thiện. Tuy nhiên, khi thường dân thấy không còn trông chờ gì vào các tổ chức quốc tế để bảo vệ họ khỏi những hành động dã man của chính quyền, họ đành tự ý hành xử. Chỉ chừng hơn một năm sau khi trúng cử vào UNHRC, tại Libya đã có một cuộc nổi dậy và vào ngày 20 tháng 10 năm 2011, thể chế độc tài của Gaddaffi bị lật đổ. Nhà độc tài bị giết. Cho dù có được một vị trí trong Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cũng không cứu được sinh mạng của Gaddafi cùng đồng bọn dưới sự phẫn nộ căm ghét của những nạn nhân của bọn họ. Nhân dân Libya được giải phóng khỏi ách độc tài. Quyền con người trên đất nước Libya từ đó mau chóng được cải thiện.

Thảm cảnh để cho các quốc gia hội viên xấu xa có chân trong Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, tiếc thay, vẫn xảy ra quá thường xuyên. Vào ngày 12 tháng mười một 2013 vừa qua, China, Việt Nam Cuba, Russia và một vài quốc gia khác đã xoay xở để chiếm được ghế thành viên trong hội đồng cho nhiệm kỳ 2014 – 2016 (3). Hồ sơ (vi phạm) nhân quyền của những quốc gia này còn tồi tệ hơn của Libya rất nhiều, nhưng họ đã lợi dụng nguyên tắc của Đại Hội Đồng LHQ không cho bất cứ thành viên nào của LHQ được giữ ghế hội viên của UNHRC nhiều hơn hai nhiệm kỳ liên tiếp, đồng thời, tất cả các ghế thành viên của hội đồng này được phân chia thành năm nhóm trên căn bản vị trí khu vực địa dư: Á châu 13 ghế, Phi Châu 13, Đông Âu 6, Tây Âu cộng với các nhóm khác 7 và Châu Mỹ Latin và vùng biển Caribean 8 (tổng cộng 47 ghế) (4). Sự thắng cử của các quốc gia tàn tệ này rõ ràng không thể tránh được, vấn đề là do chính những quy tắc của Đại hội đồng LHQ tự gây nên. Trong khi theo lý thuyết, nghị định thành lập hội đồng UNHRC phán quyết rằng: ‘các thành viên được bầu chọn vào hội đồng phải duy trì những chuẩn mực cao nhất trong việc quảng bá và bảo vệ các quyền của con người’; trên thực tế, hành xử của các thành viên ứng cử vào hội đồng đã không được tra cứu cẩn trọng; sự vi phạm nhân quyền của họ được bỏ qua. Số lượng ứng cử viên trong các nhóm khu vực lại tương đương hay ít hơn số ghế đang bỏ trống cần bầu chọn. Bởi thế, xác suất thành công của các ứng cử viên hầu như 100%. Hơn thế nữa, các ứng cử viên còn không thèm giấu diếm các trò hối lộ bẩn thỉu trong việc vận động mua phiếu từ các hội viên LHQ. Kết quả là, thật đáng xấu hổ, những quốc gia có hồ sơ vi phạm nhân quyền tệ hại nhất lại trúng cử với số phiếu cao nhất (Việt Nam 184, China 176 trên tổng số 193 phiếu bầu).

Nhưng những quốc gia trên đã coi thường việc duy trì những chuẩn mực về nhân quyền trong khi có chân trong hội đồng nhân quyền quốc tế như thế nào? Khái niệm về quyền căn bản của con người phải có ý nghĩa bao quát toàn cầu, có tính cách bình đẳng và đã được ghi rõ ràng trong 30 điều lệ của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền (UDHR), một trong ba văn kiện nền tảng của UNHRC. Nhiệm vụ của hội đồng là thẩm định tình trạng nhân quyền của tất cả các hội viên LHQ, chú tâm vào các vấn đề nhân quyền quan yếu như quyền tự do lập hội và hội họp, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo và tín ngưỡng, nữ quyền… (5).

Đại hội đồng LHQ đáng lẽ cần nêu lên những quan ngại đến các thành viên thiếu sót trong việc tuân thủ các điều lệ của văn kiện cơ bản này. Đây rõ là một sự khinh thường các quyền căn bản của con người và họ đáng lẽ phải nhận chịu sự trục xuất ra khỏi UNHRC mới phải. Hãy lấy nhà nước Việt Nam làm thí dụ. Nhà nước Việt Nam đã ngăn cản các quyền con người của công dân của họ ra sao? Quyền con người cơ bản nhất là quyền được sinh sống, được tư do và được bảo đảm an ninh bản thân như đã được ghi rõ trong điều 3 của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền UDHR. Trái lại, chính quyền độc đảng Việt Nam tự tuyên bố giành quyền cai trị đất nước độc nhất vô nhị. Để bảo vệ thể chế độc quyền này, nhà nước đã dựng lên một lực lượng an ninh lên tới 300,000 nhân viên chính quy, cộng thêm một số lượng ước tới con số khổng lồ 6.7 triệu người hoạt động bán thời gian bao gồm cả công an thường phục, mật vụ và dân phòng trong mạng lưới an ninh của họ, một số lượng lên tới một phần sáu dân số của cả nước trong độ tuổi lao động (6). Bởi thế, nhà nước này đã xây dựng lên các phòng trạm công an ở từng mỗi phố phường, mỗi khu vực trên khắp đất nước để trông chừng và kiểm soát mọi hành vi của mỗi công dân. Hơn thế nữa, lực lượng an ninh khổng lồ này còn có được một uy quyền đáng sợ: dù đang thi hành công vụ hay không, mặc đồng phục an ninh hay thường phục, họ vẫn được quyền lục soát tra hỏi nơi ăn chốn ở của dân bất kể giờ giấc ngày hoặc đêm, chẳng cần phải có một văn bản mệnh lệnh. Họ có thể bắt bớ và giam giữ bất cứ ai họ muốn mà không cần trưng ra một trát tòa. Khi di chuyển từ nơi sinh sống đến nơi khác và phải ở lại qua đêm, mọi người dân từ 14 tuổi trở lên phải đến trình diện đăng ký tại các trạm công an đó và xin một giấy phép di chuyển và lưu trú. Người dân sẽ phải báo cáo cho họ về nơi xuất phát, nơi đến, thời hạn và lý do di chuyển, công việc sẽ làm, sẽ ở với ai và làm việc cho ai, với ai. Các quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng không hề được tôn trọng tại Việt Nam. Nếu một ai đó công khai lên tiếng phê phán chế độ hay các lãnh đạo nhà nước, người đó sẽ bị cáo buộc tội có hành vi ‘phản động’ với kết cuộc thấy mình ở trong mấy hàng song sắt. Trong mấy năm vừa qua, một số nhà báo đã bị giam tù vì đòi hỏi tự do báo chí (7), một số khác do viết thơ nhạc, bản văn cổ võ nhân quyền hay truyền bá các quyền tự do: tự do lập hội và hội họp, tự do tôn giáo…(8). Tại Việt Nam, hệ thống truyền thông do nhà nước độc quyền quản lý. Tất cả mọi phương tiện truyền thông báo chí đều nằm gọn trong tay chính quyền độc đảng toàn trị, kể cả hệ thống truyền thanh, truyền hình, báo chí và mọi hình thức in ấn phát hành. Không hề có một hệ thống truyền thông tư nhân, hay nói cho chính xác, truyền thông báo chí tư nhân bị coi là bất hợp pháp. Ngay cả khi người dân cuối cùng phải sử dụng đến phương tiện mạng Internet, nhà nước Việt Nam cũng cố xen vào nắm toàn quyền kiểm soát. Chỉ tính trong năm 2013 này, họ đã bắt giữ 38 người viết blog khi những người này chỉ cố bày tỏ quan điểm của họ về quyền con người trên những trang blog của riêng họ. (9). Tổ chức Liên Đoàn Quốc Tế về Nhân Quyền (IFHR) đã liệt kê Việt Nam vào danh sách kẻ thù tệ hại thứ nhì của Internet (chỉ đứng sau China).

Trên đây chỉ là một phần rất nhỏ nhặt trong số hàng ngàn việc vi phạm nhân quyền đang xảy ra hàng ngày tại Việt Nam. Người ta phải chịu đựng khốn khổ vô cùng bởi sự đối xử tàn bạo của chế độ toàn trị này. Vấn đề là người dân đã không được biết gì hoặc rất ít về nhân quyền và những kẻ cầm quyền, bằng mọi cách, ngăn cản không muốn công dân họ biết tới các quyền đó. Lúc này, với sự việc có chân trong UNHRC sau cuộc vận động bầu cử thành công trong tháng qua, và với nhiệm vụ sẽ được bắt đầu trong năm 2014, chế độ toàn trị này ra vẻ vô cùng hãnh diện, đồng thời chối bỏ bất cứ tố cáo vi phạm nhân quyền nào của họ với lập luận rằng mọi phê phán chỉ trích đều vu vơ, sai lạc. Trong khi nhà nước Việt Nam nghĩ rằng họ có thể dễ dàng che mắt thế giới về những việc sai trái của họ, người dân Việt Nam lại ra vẻ thất vọng vì cái kết quả bầu cử tức cười trên và họ tự hỏi không biết cái tổ chức LHQ này lập ra để phục vụ cho ai: người bị trị hay kẻ thống trị? (10).

Cho dù vậy, mọi sự không hoàn toàn quá tệ hại. Nhân dân Việt Nam, giống như người dân Libya, đang cố kiếm cách đòi hỏi nhân quyền, mặc dù với các phương thức hòa bình và tinh tế hơn. Đặc biệt, giới trẻ đã đang sử dụng Internet để liên lạc nhau, gom góp những dữ liệu cần thiết và cùng nhau học hỏi thảo luận về nhân quyền. Họ mời gọi tất cả mọi người, nhất là trong giới phụ nữ trẻ, dắt tay nhau xuống đường nói chuyện, cổ võ và khuyến khích về nhân quyền, phân phát các cẩm nang tại các nơi công cộng để truyền bá nhân quyền, đồng thời tổ chức hoạt động đòi hỏi nhà cầm quyền phải trả tự do cho các bạn đồng sự của họ hiện đang bị bắt bớ giam giữ mà không hề có tội danh hoặc những tội danh ngớ ngẩn vô lý. Các người trẻ này lý luận với giới chức thẩm quyền rằng, nhân danh là một thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ (UNHRC), nhà nước Việt Nam phải triệt để tôn trọng nhân quyền đúng theo quy luật quốc tế. Những người trẻ này hiện đang có những hoạt động tại nhiều thành phố ở Việt Nam với tiêu đề chúc mừng đất nước trở thành một thành viên mới của UNHRC và cũng là để chào mừng ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10 tháng 12 năm 2013. Họ cũng không quên gửi một thông điệp đến 184 thành viên LHQ đã bầu cho Việt Nam trúng cử vào hội đồng nhân quyền rằng: ‘Quý vị đã bỏ phiếu cho Việt Nam. Vì vậy, quý vị có một phần trách nhiệm với người dân Việt Nam. Nghĩa là, từ lúc này, quý vị nợ người dân Việt Nam món nợ phải giám sát nhà nước Việt Nam để bảo đảm rằng, là một thành viên của UNHRC, chính quyền Việt Nam phải tuân thủ các quy luật quốc tế về nhân quyền và chấm dứt ngay tất cả các hành vi chống lại nhân quyền’ (11).

Tháng 12/2013


___________________________________

Chú thích:













Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo