Giả vờ lú - Dân Làm Báo

Giả vờ lú

Trần Hoàng Lan (Danlambao) - Theo truyền thuyết của Phật giáo thì cuộc sống của con người dài vô tận bao gồm nhiều kiếp kế tiếp nhau. Sau khi chết đi - kết thúc một kiếp - linh hồn người chết lại được đầu thai để sinh ra - khởi đầu một kiếp khác. Nếu những ký ức của kiếp trước vẫn còn thì cuộc sống trong kiếp sau sẽ gặp nhiều rắc rối và phức tạp. Để tránh, linh hồn người chết trước khi đầu thai buộc phải ăn cháo lú. Công dụng của loại cháo này là xóa đi những ký ức của kiếp trước để không làm ảnh hưởng tới cuộc sống ở kiếp sau.

Trong nhiệm kỳ làm bí thư thành ủy, ông Trọng đã bị dân Hà Nội đặt cho biệt danh "Trọng lú". Biệt danh này dựa trên câu vè dân gian "Giàu như Phú, lú như Trọng, lật lọng như Nghiên, tiêu tiền như Triệu" cũng do họ sáng tác nói về "bộ tứ" của thủ đô thời ấy là các ông Phùng Hữu Phú, Nguyễn Phú trọng, Hoàng Văn Nghiên, Nguyễn Quốc Triệu.

"Giàu", "lật lọng", "tiêu tiền" của ba ông kia thì đã rõ. Riêng "lú" có các khả năng sau 

- Đương kim UVBTT, bí thư của thủ đô, tuổi đời trên dưới 60, có các chức danh, bằng cấp cao nhất của KHXH là giáo sư, tiến sĩ chính trị chuyên ngành xây dựng đảng... bị bệnh lú lẫn - bệnh "hầu như không có hoặc không còn trí nhớ, trí khôn"- bệnh mà đa phần những người mắc phải là những người già trên 65 tuổi. Không thể tin nổi! 

- "Lú" của ông đặt giữa "giàu", "lật lọng", "tiêu tiền" của đồng liêu hiểu thành "liêm khiết, trong sạch, thật thà" từa tựa như "thằng chột làm vua xứ mù". Ngầm ca ngợi nhưng lại có ý khinh thường. Từ cổ chí kim chưa thấy ai dùng vè để nịnh lãnh đạo theo cách này. 

- Nhiều khả năng chữ "lú" mà tác giả câu vè dùng liên quan tới truyền thuyết trên.

Điểm "quá trình công tác" trong tiểu sử của ông 

"- 1957-1963: Học Trường phổ thông cấp II, cấp III Nguyễn Gia Thiều, Gia Lâm, Hà Nội.

- 1963-1967: Sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.

- 12/1967 - 7/1968: Cán bộ Phòng Tư liệu, Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản).

- 7/1968 - 8/1973: Cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản. Đi thực tập ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (1971); Bí thư Chi đoàn cơ quan Tạp chí Cộng sản (1969-1973).

- 8/1973 - 4/1976: Nghiên cứu sinh Khoa Kinh tế - Chính trị, Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), Chi ủy viên.

- 5/1976 - 8/1980: Cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản, Phó Bí thư chi bộ. 

- 9/1980 - 8/1981: Học Nga văn tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc.

- 9/1981 - 7/1983: Thực tập sinh và bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Khoa Xây dựng Đảng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô.

- 8/1983 - 2/1989: Phó Trưởng ban Xây dựng Đảng (10-1983), Trưởng Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản (9-1987); Phó Bí thư Đảng ủy (7-1985 - 12-1988), Bí thư Đảng ủy cơ quan Tạp chí Cộng sản (12-1988 -12-1991).

- 3/1989 - 4/1990: Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản. 

- 5/1990 - 7/1991: Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. 

- 8/1991 - 8/1996: Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

- 1/1994 đến nay: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa VII, VIII, IX, X. 

- 8/1996 - 2/1998: Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm Trưởng Ban Cán sự Đại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

- 12/1997 đến nay: Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa VIII, IX, X. 2-1998 - 1-2000: Phụ trách công tác Tư tưởng-Văn hóa và Khoa giáo của Đảng.

- 8/1999 - 4/2001: Tham gia Thường trực Bộ Chính trị. 

- 3/1998 - 8/2006: Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (3-1998 - 11-2001); Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, phụ trách công tác lý luận của Đảng (11-2001 - 8-2006).

- 1/2000 - 6/2006: Bí thư Thành ủy Hà Nội các khóa XII, XIII, XIV"

Có tới hơn 30 năm mài đũng quần, mài "lưỡi" ở "trường đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc", "tạp chí cộng sản", "ban tuyên giáo". Hẳn là để có được chức danh giáo sư, tấm bằng tiến sĩ chính trị chuyên ngành xây dựng đảng, cương vị UVBCT, chủ tịch hội đồng lý luận trung ương ông đã phải "cho vào đầu" cũng như "miệng phát ra" một lượng không nhỏ "Mác Lê giáo" đủ các loại.

Loại kinh điển do các cụ tổ khởi xướng như: "CM vô sản", "chuyên chính vô sản", "CNXH, CNCS",... Loại này có một thời đã khuynh đảo thế giới học thuyết, làm ngót nghét một nửa nhân loại say như điếu đổ. Nhưng sau khi Liên Xô và một loạt các nước cộng sản Đông Âu sụp đổ, phe cộng sản tan rã, nó đã lộ chân tướng là thứ mà đảng cộng sản dùng để tuyên truyền để lừa mị, lợi dụng quần chúng nhằm "phá sạch tan tành" chế độ cũ giành chính quyền về tay họ xây nên những chế độ độc tài toàn trị kìm hãm sự phát triển của xã hội. Và hiện thời đang ở trong sọt rác của nhân loại.

Loại do các tiền bối vận dụng sáng tạo vào thực tiễn ở Việt Nam như: "đấu tranh giai cấp", "ba dòng thác CM","CM xây dựng CNXH ở miền Bắc, CM giải phóng dân tộc ở miền Nam", "làm chủ tập thể",... Là thủ phạm gián tiếp của tội ác diệt chủng mang tên "cải cách ruộng đất" giết oan hàng vạn người, cuộc chiến tranh Nam - Bắc kéo dài gần 20 năm làm chết hàng triệu người, cướp tài sản của dân dưới danh nghĩa "cải cách ruộng đất", "hợp tác hóa", "cải tạo công thương nghiệp", bần cùng hóa nhân dân miền Bắc và cả nước sau 1975 đỉnh điểm vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước.

Loại đã được các tiền nhiệm "cải tiến", "giữ nguyên", "quay 180 độ" từ các loại trên và tự phong là "đổi mới". Vì chỉ đổi mới một phần kinh tế còn hệ thống chính trị luật pháp của chế độ độc tài độc đảng vẫn giữ nguyên nên sau cuộc "đổi mới nửa vời" này đất nước tuy thoát nghèo đói nhưng lại rơi vào thảm cảnh: Tham nhũng, bất công tràn lan, giàu nghèo ngày càng cách biệt, đạo đức xã hội suy thoái, đất nước ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên, mất đất, mất biển, kinh tế không phát triển,... và vẫn tụt hậu trong khu vực. 

Loại "xào nấu", "chế biến" từ các loại trên của ông và đồng liêu tiếp tục đưa đất nước từ thảm cảnh trên tới thảm trạng: tụt hậu toàn diện, ngập trong tham nhũng, nợ nần,..., ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc về mọi mặt. 

Có một thời các loại trên đã làm cho con người ta quên đi nhiều thứ: 
Quên dân tộc, tổ quốc, tôn giáo để kết làm anh em với vô sản toàn thế giới.
Quên thân thích, ruột rà để "đào tận gốc trốc tận rễ trí, phú, địa, hào"
Quên bố mẹ để gọi tên một ông râu xồm xa lắc xa lơ trong tiếng nói đầu đời 

"Vui biết mấy khi con tập nói
tiếng đầu đời con gọi Xtalin"(1)

Quên mình để "Mỗi người làm việc bằng hai
để cho chủ nhiệm mua đài mua xe"(2)

...

Và ngày nay thì chúng muốn người ta quên:

Là con người để trọn vai một thần dân.
Kẻ thù đã lấn chiếm đất đai, tàn sát nhân dân trong chiến tranh biên giới phía Bắc.
Máu xương của những người đã ngã xuống để bảo vệ biên giới hải đảo.
Những phần đất của tổ tiên để lại bị đổi lấy tình hữu nghị "4 tốt, 16 chữ vàng".
Những thảm nạn: bị xua đuổi, bị bắt bớ, bị bắn giết,... xảy ra hàng ngày của ngư dân đánh cá gần Hoàng Sa, Trường Sa.
Tổ quốc, nhân dân thực sự để chỉ biết "tổ quốc XHCN"và "nhân dân"của đảng.

...

Quả là món "cháo lú" vô cùng độc hại dành cho người Việt trong nước. 

Vừa "chén", vừa "nấu", vừa "phát" nó nên từ ngày nhận chức chủ tịch quốc hội rồi tổng bí thư các phát ngôn của ông được nhiều người biết đến luôn chứa chất những sự "không bình thường". 

Sau khi Trung Quốc gia tăng hàng loạt các hành động bắt bớ, bắn giết, đâm chìm tàu của ngư dân, thành lập thành phố Tam Sa (vốn là Hoàng Sa của Việt Nam) cả nước đều biết, ông vẫn điềm nhiên xoa tay, tỉnh bơ nói trước quốc hội "tình hình biển Đông không có gì mới". 

Về nạn tham nhũng, hối lộ, ông thủ thỉ với cử tri mỗi lúc, mỗi nơi một khác. Lúc có vẻ như muốn "bôi thuốc" để diệt trừ tham nhũng: "Cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu". Lúc lại sợ chống tham nhũng gây mất đoàn kết: "kỷ luật mà không tính kỹ thì lại rối, mai kia là ân oán, thù oán, đối phó, thành phe phái, rối nội bộ". Lúc chấp nhận sống chung với tham nhũng, hối lộ: "Đến đường tăng đi lấy kinh còn phải hối lộ, bước chân sang nước Phật phải hối lộ nên chúng ta phải xem xét tỉnh táo, sáng suốt." Gần đây thì nhắc nhở chống tham nhũng nhưng phải giữ lấy "bình": "Phải bình tĩnh tỉnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định”. 

Đầu tháng 5/2014 Trung Quốc ngang nhiên cắm giàn khoan HD 981 trong thềm lục địa của Việt Nam. Hơn 2 tháng trời phía Việt Nam (đích thân cả ông) đã hàng chục lần xin gặp Trung Quốc để đàm phán nhưng không được. Ngoài biển, Trung Quốc đã kéo cả một số lượng lớn tàu quân sự tới dùng vòi rồng phun nước, chủ động đâm, va để ngăn không cho tàu của Việt Nam tiếp cận giàn khoan. "Đáp trả": tàu quân sự Việt Nam thì không dám bén mảng còn các tàu hải giám thì chỉ biết chạy vòng quanh tránh tàu Trung Quốc và gọi loa tuyên truyền. Trên truyền thông các ông lớn trong BCT thì im như thóc đùn đẩy cho cấp dưới hoặc nhờ dư luận bên ngoài phản đối hộ. Cuối tháng 7, thấy đã đạt được mục đích và nhân có bão lớn Thần sấm Trung Quốc đã rút giàn khoan trước thời hạn 1 tháng. Thế nhưng ông vẫn hí hửng tuyên bố: “Trong giải quyết căng thẳng trên biển Đông thời gian qua, chúng ta đã giành được thắng lợi. Chúng ta có cơ sở để đấu tranh, về mặt luật pháp, về mặt thực lực, kết hợp nhiều biện pháp chúng ta đã đạt kết quả khi Trung Quốc rút giàn khoan, tình hình tạm thời hòa dịu”

Là đỉnh cao trong hàng ngũ "đỉnh cao trí tuệ" nên dù ăn "cháo lú" rồi phát ngôn lung tung nhưng ông Trọng không bị lú như người ta tưởng, vì đã có lần ông tâm sự rất thật với cử tri "Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa". Không bị lú mà phát ngôn lung tung thì đích thị là giả vờ lú. Lú giả vờ để người khác lú thật, mà dân càng lú thì đảng càng dễ cai trị. Một "tuyệt chiêu" trong món "dối trá cổ truyền" của đảng. 

Điều ít người ngờ tới là vài câu nói tưởng chừng như chỉ "mua vui một vài trống canh" nhưng hóa ra lại thu hút kha khá giấy, mực của cánh "lề dân". Nên đương nhiên chúng phải giảm đi lượng đòi bỏ điều 4 hiến pháp, đa nguyên đa đảng, nhân quyền, dân chủ. Những biểu hiện của sự "suy thoái đạo đức" mà từ xưa tới nay đảng của ông không bao giờ chấp nhận.

10/2014



____________________________________

Chú thích:

(1) Thơ Tố Hữu
(2) Ca dao thời bao cấp


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo