Sứ mệnh trước Chúa và Lương tâm - Dân Làm Báo

Sứ mệnh trước Chúa và Lương tâm

Douglas MacArthur * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Lời người dịch: Douglas MacArthur đã tạo ra kỳ quan chính trị hy hữu trong thế kỷ hai mươi đầy máu lửa-sự thăng hoa trong thời gian ngắn của Nhật Bản từ đống tro tàn vật chất và tinh thần vào cuối cuộc thế chiến thành phép lạ kinh tế vào đầu thập niên 1970.

Người Nhật gọi ông là bậc đại ân nhân, bậc đại khai quốc công thần của nước Nhật dân chủ và cường thịnh, nhà giải phóng, nhà truyền giáo chính trị cao thượng, người cha nhân từ và thương yêu, người của ánh sáng, tượng đài sáng chói của hòa bình trường cửu.

Vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 trên chiến hạm Missouri, Nhật Bản ký hiệp ước đầu hàng vô điều kiện với lực lượng Đồng minh đặt dưới sự chỉ huy của tướng năm sao Douglas MacArthur với tư cách chỉ huy tối cao. Trước sự đau đớn tựa như hàng triệu mũi tên đâm vào lòng phái đoàn Nhật cúi mặt tủi nhục trước bao ánh mắt chứng kiến, ông dưới “sự hướng dẫn của Chúa và lương tâm” đã cố gắng trấn an họ và nhân dân Nhật rằng với tài năng của dân tộc Nhật họ sẽ “vươn lên theo chiều thẳng đứng thay vì chiều ngang” trong hòa bình và sẽ đạt đến”địa vị cao quý”. Vài ngày sau khi đặt chân đến Tokyo, ông tuyên bố công khai với nhân dân Nhật rằng lực lượng đồng minh do ông đại diện sẽ “vực nước Nhật đứng dậy.”

Douglas MacArthur là biểu tượng của Tổ Quốc-Danh dự-Trách nhiệm của một người lính và là biểu tượng bất tử của tâm hồn cao thượng đối với kẻ tử thù ngày hôm qua.

*

Tôi, một người lính chuyên nghiệp, có trách nhiệm dân sự và quyền lực tuyệt đối đối với gần 80 triệu người, và tôi sẽ duy trì quyền lực ấy cho tới khi nào Nhật Bản chứng tỏ lần nữa rằng Nhật Bản sẵn sàng, mong muốn, và có thể trở thành thành viên có trách nhiệm trong gia đình các nước tự do. Trong lịch sử chưa bao giờ một quốc gia và dân tộc nào lại bị đè bẹp hoàn toàn như người Nhật vào lúc kết thúc chiến tranh. Họ chịu đựng không chỉ sự sụp đổ về quân sự, không chỉ sự hủy diệt những lực lượng vũ trang của họ, không chỉ sự loại bỏ các cơ sở công nghiệp của họ, càng không chỉ sự chiếm đóng quê hương họ dưới lưỡi lê nước ngoài. Toàn bộ niềm tin của họ về nếp sống Nhật Bản, được coi là bất diệt trong suốt nhiều thế kỷ, đã lụi tàn trong niềm đau bại trận hoàn toàn.

Vì tôi được ban cho rất nhiều quyền lực, tôi đối diện với tình huống khó khăn nhất trong đời mình. Quyền lực là một chuyện. Vấn đề cách thức thực hiện quyền lực là chuyện khác. Kiến thức quân sự chuyên nghiệp của tôi không còn là nhân tố chính. Tôi phải là nhà kinh tế, nhà khoa học chính trị, kỹ sư, giám đốc sản xuất, thầy giáo, thậm chí nhà thần học tầm thường. Tôi phải tái kiến thiết quốc gia đã bị chiến tranh hủy diệt gần như hoàn toàn. Bất luận giáo huấn đạo đức nào của tôi, bất luận tính cách căn bản nào của tôi, bất luận khái niệm nhân loại nào trong tâm hồn tôi, tôi đều sẽ phải đưa vào khoảng trống chính trị, kinh tế, và tinh thần này những khái niệm về danh dự, công lý, và bác ái. Nhật Bản đã trở thành phòng thí nghiệm lớn của thế giới cho cuộc thí nghiệm về giải phóng một dân tộc ra khỏi chế độ cai trị quân phiệt toàn trị và cho công cuộc tự do hóa chính quyền từ bên trong. Rõ ràng cuộc thí nghiệm ở Nhật Bản phải vượt xa mục đích chính của các nước Đồng minh- tiêu diệt khả năng tiến hành cuộc chiến tranh khác của Nhật Bản và trừng phạt tội phạm chiến tranh. Tuy nhiên lịch sử chứng tỏ rõ ràng rằng không có cuộc chiếm đóng quân sự một quốc gia bị chinh phục hiện đại nào lại thành công.

Nếu bất kỳ cuộc chiếm đóng nào kéo dài quá lâu, hay không được theo dõi cẩn thận ngay từ đầu thì một bên sẽ trở thành nô lệ còn bên kia trở thành người chủ. Lịch sử cũng dạy hầu như tất cả các cuộc chiếm đóng quân sự đều nuôi dưỡng những cuộc chiến tranh mới trong tương lai. Với những rủi ro như tôi đã tiên đoán như thế, liệu tôi có thể thành công? Sự hoài nghi của tôi sẽ che chở tôi tốt nhất, sự lo sợ của tôi sẽ trở thành nguồn sức mạnh lớn nhất.

Từ lúc tôi được bổ nhiệm làm chỉ huy tối cao, tôi đã nghĩ ra những chính sách tôi có ý định theo đuổi, thực hiện chúng qua Nhật Hoàng và guồng máy chính quyền của Nhật Hoàng. Tôi biết rất rõ chính quyền Nhật Bản cùng những điểm yếu và điểm mạnh của nó, và tin những cải cách tôi đã dự liệu là những cải cách sẽ đưa Nhật Bản theo kịp đà tư tưởng và hành động tiến bộ hiện đại. Trước tiên hủy diệt sức mạnh quân lực. Trừng phạt tội phạm chiến tranh. Xây dựng cấu trúc chính phủ đại nghị. Hiện đại hóa hiến pháp. Tổ chức bầu cử tự do. Ban quyền bầu cử cho phụ nữ. Thả tù chính trị. Giải phóng nông dân. Thành lập phong trào lao động tự do. Khuyến khích kinh tế tự do. Xóa bỏ sự áp bức của cảnh sát. Phát triển báo chí tự do và trách nhiệm. Tự do hóa giáo dục. Phi tập trung quyền lực chính trị. Tách biệt giữa giáo hội và nhà nước.

Những nhiệm vụ này chiếm hết thời gian của tôi trong hơn năm năm kế tiếp. Cuối cùng tất cả đều thành tựu, có cái dễ, có cái khó. Nhưng khi cải cách tiến triển và dân chúng Nhật Bản càng ngày càng hưởng nhiều tự do, nhân dân Nhật Bản và chỉ huy tối cao đã hình thành mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau độc đáo. Khi họ càng nhận thức tôi chú trọng đối xử công bằng với họ, thậm chí đôi lúc chống lại các cường quốc tôi đại diện, họ càng coi tôi không phải là kẻ thắng trận, mà là người bảo vệ. Tôi có trách nhiệm sâu sắc như là người che chở cho những người mà bất ngờ được đặt dưới quyền của tôi. Ngay từ đầu tôi đã dặn dò binh lính của tôi là công luận thế giới sẽ đánh giá quốc gia của chúng ta qua hành vi của họ, thành công hay thất bại của công cuộc chiếm đóng hoàn toàn phụ thuộc vào tư cách đàng hoàng và tự chủ của họ. Hành vi nói chung của họ không có gì phải chê trách. Họ thật sự là những đại sứ thiện chí.

Tôi cẩn thận tránh bất kỳ sự can thiệp nào bằng sắc lệnh vào truyền thống văn hóa hay nếp sống cá nhân của người Nhật. Trong những tuyên bố công khai thường xuyên tôi khuyên nhân dân Nhật Bản nên cố gắng kết hợp lành mạnh giữa những điều tốt đẹp nhất của họ với những điều tốt đẹp nhất của chúng ta, và tôi cẩn thận nói với họ rằng không dân tộc hay quốc gia nào tự mình thực hiện được những điều này, Tôi khuyến khích những phái đoàn người Nhật thuộc đủ mọi nghề nghiệp đến Tây Phương, và nơi nào có thể, tôi đều mở đường cho những cuộc thăm viếng ấy. Tôi luôn luôn tin một trong những điều làm cho công cuộc chiếm đóng thành công là sự khẳng định của tôi rằng chúng tôi muốn học hỏi ở người Nhật cũng như dạy họ. Biết bao nhiêu công sức mới khôi phục được ý thức về nhân phẩm và mục đích ở nhân dân họ, và khi họ có lại lòng tự trọng và tự hào, họ bắt đầu trao đổi tư tưởng một cách say mê và thiện chí. Sự tôn trọng lẫn nhau này trở thành nền tảng cho lòng kính trọng căn bản hai dân tộc chúng ta dành cho nhau-và giúp công cuộc chiếm đóng viết nên một chương độc đáo và ấm áp tình người của lịch sử thế giới.

Nguồn: Trích dịch từ tác phẩm "Reminiscences" của Douglas MacArthur, nhà xuất bản McGraw-Hill, 1964, trang 280-283. Tựa đề của người dịch.

22/05/2015



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo