Biển đông và chiến lược “dân quân biển” - Dân Làm Báo

Biển đông và chiến lược “dân quân biển”

Nguyễn Cao Quyền (Danlambao) - Ngày 21//9/2016 tư lệnh hải quân của 80 quốc gia đã họp bàn tại Hoa Kỳ về nguy cơ xung đột tại Biển Đông. Trong buổi họp này, tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi cũng được mời tham dự.

Thời gian gần đây, nguy cơ chiến tranh Trung Mỹ gia tăng, vì yêu sách của Trung Quốc đòi kiểm soát tới 90% diện tích của Biển Đông. Yêu sách này đe dọa tự do hàng hải và thương mại quốc tế, vì thế mà đô đốc Mỹ Jeffrey Harley nhận định “Một cuộc xung đột với Trung Quốc ở Biển Đông chắc chắn không thể nào tránh khỏi”. Còn Rand Corporation của Hoa Kỳ thì thấy rằng “Quân đội Hoa Kỳ sẽ chiếm ưu thế trong bất cứ một cuộc chiến nào trong thời điểm hiện nay hơn là phải đợi thêm một thập kỷ nữa”.

Nhận định thực tế người ta thấy những lo lắng nêu trên là hệ quả của việc Trung Quốc đang thử nghiệm lực lượng “dân quân biển” trên Biển Đông để quấy rối tàu thuyền quốc tế. Biển Đông sẽ là nơi xảy ra chiến tranh nếu không có sự thay đổi từ hai phía và nguy cơ xung đột sẽ có thể nổ ra bất cứ lúc nào.

Dân quân biển là gì?

Tháng 10/2015 khi tàu khu trục Mỹ USS Lassen chạy cách đá Subi, một đảo nhỏ nhân tạo do Trung Cộng xây dựng lên ở Biển Đông, Bắc Kinh đã cho một số tàu buôn và tàu đánh cá khuấy động chung quanh để phản đối. Trung Cộng càng ngày càng dựa vào các lực lượng không chính quy như thế để hình thành cái mà chúng gọi là lực lượng “dân quân biển”. 

Năm 2012, lực lượng dân quân biển Trung Cộng đã tham gia vào việc chiếm đóng bãi cạn Scarborough của Philippines và năm 2014 các lực lượng này đã giúp Trung Cộng đẩy lùi các tàu Việt Nam khỏi dàn khoan dầu HD 981 gần quẩn đảo tranh chấp Hoàng Sa. 

Cho đến nay, Washington vẫn chưa chính thức thừa nhận sự có mặt của lực lượng dân quân biển trong các chuyện rắc rối ở Biển Đông. Thật ra đây là một âm mưu thâm độc của Bắc Kinh.

Các đơn vị dân quân biển là những người đánh cá được chính quyền Bắc Kinh huấn luyện quân sự và giúp đỡ kinh phí. Trên đảo Hải Nam đã có những trung tâm huấn luyện dân quân biển, chẳng hạn như thị trấn Đàm Môn (Tanmen). Một thành phố khác ở vùng Quảng Tây, thành phố Bắc Hải, là quê hương của hai phân đội dân quân biển (200 người) vào năm 2013. Đến năm 2015 thì con số này đã nhanh chóng tăng lên 10 phân đội (2000 người). 

Dân quân biển là công cụ hữu ích cho kế hoạch của Trung Quốc để thúc đẩy không đổ máu các yêu sách trên biển. Các yêu sách này cho phép Bắc Kinh phủ nhận sự dính dáng của họ trong những vụ chạm chán tại Biển Đông và một vài nơi khác. 

Các đơn vị dân quân biển được bộ chỉ huy quân sự PLA địa phương quản lý. Thời gian qua, trong một số vụ chạm chán quốc tế, các lực lượng dân quân biển đã phối hợp chặt chẽ với hải quân và cảnh sát biển của Trung Quốc.

Thiết tưởng không nên chờ lực lượng dân quân biển giảm bớt đi vì Bắc Kinh mới cho giải ngũ 300.000 binh sĩ lục quân để lấy tiền cung cấp cho dân quân biển. Các quan chức địa phương dọc theo bờ biển của Trung Quốc đang mở rộng các đơn vị dân quân biển hiện có và xây đựng đơn vị mới.

Nhìn vào nội tình của Trung Quốc, ta thấy Bắc Kinh đang kết hợp các đội tàu cá với tàu thương mại và các tàu thực thi pháp luật để thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông. Các quan sát viên quốc tế cảnh báo việc Trung Quốc đang xây dựng lực lượng quân sự có đủ sức mạnh để chi phối và kiềm soát hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Các đảo nhân tạo có thể sử dụng làm cơ sở hậu cần cho quân đội sau này. Mục đích chính của động thái này là để cụ thể hóa tham vọng của Bắc Kinh, và đồng thời làm cho ngư dân các nước nhỏ láng giềng sợ hãi không dám tiếp tục ra khơi để kiếm kế sinh nhai.

Ngư dân của Trung Quốc đang được chính quyền giúp đỡ và khuyến khích thay thế thuyền gỗ bằng thuyền vỏ thép. Họ cũng được nhà nước cung cấp súng và giúp tiền mua tàu lớn để đánh cá xa bờ biển và bảo vệ chủ quyền.

Phản ứng của các nước láng giềng tại vùng Đông Á

Phản ứng của Việt Nam: Tại Hội Nghị ASEAN tháng 8/2015 họp tại Kuala Lumpur Mã Lai Á, thiếu tướng Việt Cộng Lê Văn Cương nói “Trung Cộng đang có nhiều ý đồ và kế hoạch độc chiếm Biển Đông. Việc họ đưa tên lửa vào vùng biển này không nguy hiểm bằng việc họ đang quân sự hóa các tàu thuyền dân sự nhằm che mắt thế giới. 

Lực lượng ngụy trang này đang phát triển rất mạnh trên đất nước Trung Hoa. Đây thực chất là một đôi hải quân chiến đấu được sơn màu dân sự. Họ có khả năng tác chiến và họ có thể nổ súng trong bất cứ trường hợp cần thiết nào. Bắc Kinh nhất quyết sẽ xây dựng một hạm đội dân quân biển. Thủ đoạn này cực kỳ nguy hiểm nên các nước ASEAN phải lưu tâm và nhanh chóng đối phó”.

Về phần Việt Nam thì Hà Nội cho biết là từ lâu họ đã thành lập lực lượng bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển của đất nước. Năm 2009 trung tướng Việt Cộng Hoàng Châu Sơn, cục trưởng Cục Dân Quân Tự Vệ cho hay Việt Cộng đã ban hành luật xây dựng lực lượng dân quân tự vệ để bảo vệ an ninh của tổ quốc. Các công dân nam nữ từ 18 tuổi phải tham gia lực lượng này 4 năm. Sau đó mới được cấp giấy phép trở về đời sống dân sự để sống cuộc sống bình thường.

Phản ứng của Nam Dương: Nam Dương có dân số đông và là nước duy nhất của ASEAN mà Trung Cộng phải gờm. Hồi tháng 6/2016, Trung Cộng đã không có một sự trả đũa nào đối với việc hải quân Nam Dương đã bắt và giữ tàu Trung Cộng xâm nhập trái phép vùng biển NATUNA. 

Gần đây tàu bè Trung Cộng lại xuất hiện tại vùng biển này và tuyên bố là ngư trường truyền thống của Đại Hán. Sau ba lần xâm nhập như vậy Nam Dương thay thế các tầu tuần duyên của mình bằng tầu chiến hải quân. Từ đó đế nay thì Trung Cộng đã chấm dứt mọi khiêu khích.

Tổng thống Widodo của Nam Dương đã tham gia tích cực hội nghị thượng đỉnh ASEAN và kêu gọi ASEAN thống nhất. Ông khuyến khích sự liên kết chặt chẽ giữa Nam Dương và các nước láng giềng có tranh chấp biển đảo với Trung Cộng như Việt Nam và Philippines.

Ngoài những động thái nêu trên, Nam Dương cũng đương tìm cách xích lại gần Mỹ để nhận viện trợ. Việc Nam Dương mua phi cơ F.16 của Hoa kỳ là một việc thiết yếu cho khả năng phòng thủ. Bằng chứng là việc mua bán này đã làm cho Bắc Kinh lo sợ và lên tiếng phản đối. 

Phản ứng của Nhật Bản: Chiến lược dân quân biển của Trung Quốc tại Biển Đông được thế giới gọi là chiến lược “Cắt lát Salami”. Mỹ chưa có hành động gì nhiều để phải đối nhưng Nhật Bản thì từ lâu đã có đối sách.

Đài truyền hình Nhật hôm 10/10/2016 cho biết: Tokyo đã cho khai triển một loại tầu tuần tra mới và hiện đại trên Biển Đông. Kế hoạch này là việc hạ thủy chín chiếc tầu mới từ nay đến năm 2018. Đặc điểm của loại tàu mới này là có thể chịu được các tác động va chạm với tầu của Trung Quốc. Trên tầu có gắn thêm thiết bị giám sát và theo dõi của công nghệ hiện đại. 

Ba trong chín chiếc tầu hiện đại này sẽ được hạ thủy vào tháng 11 tới đây và sẽ tuần tra ở vùng biển Miyako thuộc tỉnh đảo Okinawa. Cùng với kế hoạch này, Nhật Bản cũng đóng thêm một chiếc tàu cỡ lớn, khoảng 6500 tấn, có thể mang theo phi cơ trực thăng, và tăng gấp bốn lần lực lượng bao vệ vùng biển có tranh chấp là vùng Senkaku/Điếu Ngư. Hành động này của Nhật Bản được đánh giá là rất hợp thời khi mà hai chiếc tầu của Trung Cộng vừa đâm chìm một tầu tuần tra của Nam Hàn hôm 7/10/2016 vừa qua.

Trong tình hình quốc tế hiện nay khả năng đối đầu trên biển có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là tại các khu vực có nhiều tranh chấp nên hải quân Nhật Bản đã đặc biệt chú trọng đến các khu vực này.

Trong vùng Á Châu-Thái Bình Dương, Nhật cố gắng kết với lợi ích chung của các nước trong vùng và lôi cuốn Mỹ cùng can dự vào những cam kết đó, nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Trung Cộng, Nga và Bắc Triều Tiên.

Đối với Trung Quốc, Nhật tin rằng lực lượng hải quân của họ, bất luận là về phương diện nào cũng đứng trên Bắc Kinh và nếu chiến tranh xảy ra thì Nhật sẽ không thể nào thua cuộc. Đó là lý do mà Nhật đã đưa một phụ nữ “liễu yếu đào tơ” nhưng bên trong là một "người đàn bà thép" ra làm bộ trưởng quốc phòng.

Phản ứng của Úc Đại Lợi và Singapore: Úc và Hoa Kỳ đã chia sẻ kinh phí và chi hơn 1,5 tỷ đôla mỗi năm để mở rộng và xây dựng thêm căn cứ Darwin là nơi mà hơn 2500 thủy quân lục chiến Mỹ đã dùng làm cơ sở để canh chừng cho an ninh thế giới từ mấy năm nay. 

Bên cạnh đó, hồi tháng 5/2016 Úc cũng tuyên bố là Singapore sẽ chi 1,7 tỷ đôla để gia tăng công suất đào tạo quân sự trong tiểu bang Queensland. Với sự giúp đỡ của Úc tiểu bang này đã đạo điều kiện cho 14.000 binh sĩ Singapore được hoàn tất huấn luyện mỗi năm.

Phản ứng của Malaysia và Philippines: Malaysia đòi chủ quyền trên một phần Biển Đông nằm về hướng Bắc Bornéo. Thủ tướng Malaysia tuyên bố để giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông các bên thương lượng phải tin cậy lẫn nhau trên căn bản bình đẳng và hỗ tương tôn trọng.

Còn Tổng Thống Duterte của Philippines thì thừa nhận là ông có thể bị luận tội nếu nhượng bộ về chủ quyền, cho nên chuyến đi sang Trung Cộng lần này không có gì khác hơn là các thương lượng về kinh tế.

Phản ứng của Hoa Kỳ

Mặc dầu chưa chính thức công nhận vấn đề dân quân biển nhưng không phải là Hoa Kỳ không biết đến. Ta hãy nghe bà Hillary Clinon nói gián tiếp gì về vấn đề này khi còn làm ngoại trưởng. Bà đã có lần tuyên bố: “Chúng tôi sẽ bao vây Trung Quốc với những lá chắn phi đạn. Chúng tôi sẽ triển khai thêm chiến hạm tới khu vực. Đối với Trung Quốc chúng ta phải kiềm chế họ, hoặc chúng ta phải chống lại họ để tư vệ”.

Về những lời tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông bà nói: "Các ông không thể tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ vùng biển đó. Nếu Trung Quốc có thể làm như thế thì Mỹ cũng có thể gọi Thái Bình Dương là Mỹ Đại Dương vì Mỹ đã hao quân tốn của bao nhiêu để giải phóng vùng biển này”. Đây là lời tuyên bố khi bà chưa đắc cử tổng thống.

Ngoài lời tuyên bố trên, có lẽ cũng cần lưu ý độc giả thêm về câu nói ngày 10/10/2016 của tướng Mark Milley, tổng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ. Trước sự đe dọa một cuộc chiến thứ ba của thế giới gây ra bởi Trung Quốc, Nga, Iran và Bắc Triều Tiên ông tướng này đã nói: “We will beat you harder than ever before”. (Tạm dịch: "Chúng tôi sẽ đánh các ông mạnh mẽ hơn tất cả các lần trước như đã xảy ra”. ) 

*

Mặc dầu có những lời tuyên bố đáng báo động nói trên nhưng ở Mỹ dư luận vẫn cho rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc lúc nào cũng vừa là đối thủ vừa là đối tác tiềm tàng. Ngày nay, khi ý thức hệ cộng sản đã bị vứt vào sọt rác của lịch sử, thì thiên hạ đã đủ khôn ngoan để thấy rằng: dù có muốn giữ vững cương vị số 1 của thế giới hay trở thành cường quốc số 1 của thế giới, cũng không nhất thiết phải tiến hành chiến tranh bạo lực./. 

Tháng 10 năm 2016



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo