Ý kiến về "Ông già và CNXH huyền ảo" của nhà văn Phạm Thị Hoài - Dân Làm Báo

Ý kiến về "Ông già và CNXH huyền ảo" của nhà văn Phạm Thị Hoài

Trần Thảo (Danlambao) - Trong một bài viết về nhân vật Fidel Castro, lãnh tụ CS Cuba vừa mới qua đời, với tựa đề "Ông Già Và Chủ Nghĩa Xã Hội Huyền Ảo", nhà văn Phạm Thị Hoài có những nhận định rất lạ.

Mở đầu bài viết, PTH trích dẫn lời của triết gia Jean-Paul Sartre: "Càng xa Mạc Tư Khoa, chúng ta càng gặp những người cộng sản giống chúng ta như những con người", và tiếp theo là ý kiến của chính PTH: "Chủ Nghĩa Xã Hội nhiệt đới Cha Cha Cha và vị lãnh tụ ngậm xì gà dường như là phiên bản đỡ giáo điều hơn, cận nhân tình hơn, bớt nghiêm trọng hơn nguyên bản Siberia băng giá. So với Việt Nam thì Cuba có vẽ phóng khoáng, vui tươi hơn vài bậc." 

Nhà văn PTH đã giải thích tại sao bà nhận định như vậy. Theo bà, bởi vì Cuba tượng trưng cho một phiên bản CNXH rất riêng của Châu Mỹ Latin, không giống với CNXH ở Đông Âu và Á Châu. Là một Chủ Nghĩa Xã Hội Huyền Ảo. Hơn nữa, theo lời của bà PTH, nhân vật Fidel Castro có những tính cách mê hoặc, rất được các nhà văn, trí thức cánh tả phương tây, yêu thích và tán thưởng, chính bà PTH cũng rất ngạc nhiên.

Tính cách mê hoặc của Fidel Castro được bà PTH diễn giải qua những chi tiết như ông ta rất quyến rũ, không chỉ̉ đối với phụ nữ, và bộ râu của Fidel cũng như của Che Guevara đã vĩnh viễn gắn mác cho cách mạng Châu Mỹ Latin, như tóc của Beatles ở phương tây cho cách mạng văn hoá của giới trẻ. Và cuộc đời đầy tính phiêu lưu của Fidel Castro, trong sự so sánh của bà PTH, thì đầy kịch tính và hấp dẫn hơn những thước phim Indiana Jones của Hollywood. Bà PTH cũng nhắc tới sự kiện đầy tính huyền thoại về Marita, một tình nhân người Đức của Fidel, đã từng đem thuốc độc của CIA ném vào bồn cầu tiêu, từ chối hại chết Fidel dù lúc đó Fidel đang phụ rẫy Marita. Fidel Castro đã từng tiếp cận hai trí thức hàng đầu thế giới là Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir và hàn huyên hàng giờ không hết chuyện. Fidel có tính hài hước, và khả năng hùng biện hơn 7 tiếng đồng hồ liên tục trước Liên Hiệp Quốc. Ở tuổi 74 mà Fidel mỗi sáng cũng ngốn hết 200 trang tin tức, và tập thể dục thường xuyên.

Đó là những chi tiết mà bà PTH đã nêu ra về Fidel Castro, và bà cũng nhân đó so sánh về mức mê hoặc giới văn chương của ông Hồ Chí Minh, như một sức hút tự nhiên mà những người nắm trong tay quyền lực sẵn có. Bà PTH nhắc lại sự kiện năm giỗ đầu của HCM, nhà thơ Lê Đạt, kiện tướng thơ trong Nhân Văn Giai Phẩm, lúc đó dù bị trù dập, vẫn làm Trường Ca Bác, có câu "Mây trắng đền Hùng, Râu Bác ung dung", theo bà PTH, thì đó là câu thơ ra từ trái tim chứ không phải từ tuyên giáo. Rồi bức tranh "Hồ Chủ Tịch làm việc ở Bắc Bộ Phủ" do Họa Sĩ Tô Ngọc Vân, tuy là do Hội Văn Hóa Cứu Quốc yêu cầu Họa Sĩ Tô Ngọc Vân vẽ, nhưng xúc cảm sâu sắc của Họa Sĩ trước người mẫu mãi mãi lưu trên nền vải. Bà PTH cũng nhắc lại ấn tượng đặc biệt mà NS Phạm Duy có được và ghi lại khi lần đầu gặp ông Hồ.

Tôi thật không rõ nhà văn Phạm Thị Hoài có ý gì khi phổ biến bài viết này. Bà muốn giới thiệu nét đặc biệt của CNXH huyền ảo ở Cuba cho bạn đọc? Tôi không nghĩ mục đích của bà đơn giản như thế. Mặc dù ở cuối bài, bà nhắc về nhà văn Chile Roberto Bolano, người đã dành nhiều thời gian để đào mồ chôn những sản phẩm văn chương ca ngợi độc tài, như của Garcia Marquez ca ngợi Fidel Castro. Theo PTH, Chủ Nghĩa Xã Hội huyền ảo ở Cuba với nền văn học bốc mùi khủng khiếp của nó rồi cũng sẽ xuống mồ, tiêu thất vào lịch sử.

Nhà văn Phạm Thị Hoài kết luận bài viết của bà như thế, nhưng với suy nghĩ của cá nhân tôi, tôi cảm thấy đó chỉ như một che chắn cho cái mục đích ca tụng Fidel Castro và Hồ Chí Minh.

Ở vị trí của một người đọc, khi đọc xong Ông già và CNXH Huyền ảo, cái còn sót lại trong tâm trí của tôi là bà PTH rất có cảm tình với Fidel Castro, và nhìn nhân vật đó, "một tổng hợp của quyền lực vô hạn, một ý chí vô song và một cái tôi khổng lồ" (lời của PTH) như một huyền hoặc, một sức hút. Và nhân vật Hồ Chí Minh, trong cái nhìn của PTH, cũng có sức hút y như thế.

Tôi không lấy làm lạ về việc những lãnh tụ chính trị, tà đạo hay chính đạo, có sức hút đặc biệt. Lý do dễ hiểu là nếu họ không có sức hút thì làm thế nào quy tụ được nhân lực bên mình, gầy dựng lực lượng. Những nhân vật cổ đại bên Tàu như Lưu Bị, Tào Tháo, hay những nhân vật anh hùng như Lê Lợi, Nguyễn Huệ của lịch sử Việt Nam cũng thế. Họ như những vầng sáng cuốn hút những vì tinh tú chung quanh, tạo nên lực lượng, gầy dựng cơ nghiệp vĩ đại. Điều đó rất tự nhiên, không có gì phải bàn cải. Điều khác biệt, nếu có, chỉ là những lãnh tụ chính đạo, họ có sức hút tự nhiên, hấp dẫn những tay chân, phụ tá cùng lý tưởng, cùng chí hướng, thực hiện cứu cánh của cuộc đời. Còn những lãnh tụ tà đạo thì ngoài việc lợi dụng sức hút tự nhiên của mình, còn tìm mọi thủ đoạn, mọi phương tiện để thu hút nhân lực, bao gồm những văn thơ bợ đít của lũ văn thi sĩ cô đầu. Những thành phần này, vì không thấy được bộ mặt thật ma quỷ của lãnh tụ, hay được ban phát quyền lợi quá ngon lành, nên cắm đầu cắm cổ múa bút ca tụng lãnh tụ, tạo nên tệ nạn sùng bái cá nhân, coi lãnh tụ đó như cha già dân tộc, một bậc thánh. Nhà văn Garcia Marquez, Kịch tác gia Arthur Miller đối với Fidel Castro nào có khác gì Tố Hữu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tô Ngọc Vân, Lê Đạt đối với ông Hồ Chí Minh? Bà Phạm Thị Hoài có nhắc tới trường hợp đặc biệt của nhà thơ Lê Đạt, một kiện tướng của Nhân Văn Giai Phẩm, từng bị chế độ CSVN miền bắc VN đày đọa vì tham gia trong nhóm NVGP, thế mà nhân giỗ đầu của ông Hồ Chí Minh, cũng viết nên cái gọi là "Trường Ca Bác" với câu thơ "Mây trắng đền Hùng, Râu Bác ung dung" (trích nguyên lối viết của PTH). Việc Lê Đạt, dù bị chế độ CSVN đày đọa vẫn viết thơ ca ngợi ông Hồ, với tôi cũng không có gì khó hiểu. Trần Dần bị đày tới nổi hóa khùng, tính cắt cổ tự tử, không chết nhưng trở nên mất trí. Những Hoàng Cầm, Tử Phác, Văn Cao v.v... bị trói tay, bị buộc phải khai, phải tố cáo những điều không có về những bạn văn của mình. Phùng Cung bị mười mấy năm tù ngục cách ly không được xét xử. Nguyễn Hữu Đang bị đày đọa với kiếp sống giống như giun dế. Lê Đạt không bị khủng hoảng sao? Viết bậy bạ "Trường Ca Bác" để chế độ lơ là, bớt chú ý tới mình không được sao? Cái gì mà Mây Trắng Đền Hùng, Râu Bác Ung Dung? câu thơ đó kiệt xuất lắm sao mà PTH nhận định là câu thơ ra từ trái tim chứ không phải viết theo đặt hàng của Tuyên Giáo? Còn Phạm Duy trong hồi ký của mình, có ghi lại cảm tưởng khi lần đầu gặp HCM, nếu tôi nhớ không lầm thì do sự dẫn dắt của NS Nguyễn Xuân Khoát (?) và cảm tưởng của ông Phạm Duy về HCM cũng chả có gì đặc biệt, bởi thế Phạm Duy mới bỏ về Thành, chứ nếu bị hút hồn, thì cũng sẽ trở thành một Tô Hải, một Nguyễn Văn Tí hay một Văn Cao, có sáng tác ra cơm cháo gì đâu?

Tôi thật sự kinh ngạc khi đọc bài viết của nhà văn Phạm Thị Hoài. Nếu bà PTH chỉ là một trẻ trâu, một học sinh miền sâu miền xa, được chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi tặng khung hình HCM rồi đêm mơ gặp bác Hồ, hoặc như ông Bùi Tín lúc trẻ, chìm ngập trong tuyên truyền của chế độ, coi ông Fidel Castro như thần tượng, thì chả có gì đáng nói. Nhà văn Phạm Thị Hoài là một nhà văn nổi tiếng, những tác phẩm của bà như Thiên Sứ, Mê Lộ, Man Nương, Marie Sến v.v... được bạn đọc chú ý. Riêng Thiên Sứ được dịch ra nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý, và bản dịch tiếng Đức từng đoạt giải thưởng Tiểu Thuyết Nước Ngoài Hay Nhất tại Đức vào năm 1993, và bản dịch tiếng Anh đoạt giải Dinny O'Hearn vào năm 2000. Nhà văn Phạm Thị Hoài lúc trẻ du học, được đi nhiều nơi, có cơ hội tiếp cận nhiều nguồn kiến thức, thế mà không đọc được những tội ác khủng khiếp của Hồ Chí Minh, của Stalin, của Mao Trạch Đông, của Fidel Castro sao? Có cần liệt kê ra tất cả những tội ác ghê gớm của những tên đầu sỏ CS ở đây? Biết liệt kê đến bao giờ mới hết? Chỉ kể sơ sơ tội ác của Fidel Castro là đã rùng mình. Sau khi lật đổ chính quyền của Batista, Fidel đã thiết lập một chế độ thép tại Cuba. Chính tay Fidel đã ra lịnh xử tử 15000 người bị tình nghi là có âm mưu phản loạn, giam giữ không xét xử và cưỡng bức lao động 20000 tù nhân chính trị, trong đó rất nhiều người đấu tranh ôn hoà đòi tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, và những người vượt biển tìm tự do. Fidel chẳng những áp bức tù đày người dân Cuba mà còn xuất cảng cách mạng sang những nước châu Mỹ Latin, và châu Phi như Bolivia, Peru, Nicaragua, Angola, Ethiopia v.v... bằng cách gửi khoảng 32000 tình nguyện quân Cuba sang những nước kể trên làm lực lượng hạt nhân phát triển cách mạng. Khi Fidel Castro chết, ở Việt Nam lộ ra thông tin về lời tuyên bố của ông ta "Sẵn sàng hiến máu chính mình cho cuộc đấu tranh giải phóng ở Việt Nam". Nhiều tên bưng bô nhào vô xuýt xoa cho tinh thần quốc tế vô sản của Cuba dành cho Việt Nam, nhưng sau đó trên mạng người ta vạch rõ cái mặt thối của Fidel khi đưa ra những bằng chứng cho thấy máu mà Cuba đưa cho Việt Nam nào phải cho không, đều tính bằng đô la US. Mà Fidel có mất gì đâu, những tù nhân mang án tử hình ở Cuba, trước khi ra bãi bắn, đã được dẫn vào một phòng kín, ở đó máu của tử tội được rút ra hết để cho Fidel bán cho Việt Nam và bán cả cho Canada.

Những tên cộng sản chúa như Fidel Castro, như Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông, Stalin, Pol Pot, tất cả đều có chung một đặc tính, ấy là cực kỳ tàn bạo. Trong cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, Mao Trạch Đông đã giết bao nhiêu người vô tội? Trong Cải Cách Ruộng Đất ở miền bắc VN, trong năm Mậu Thân ở Huế, và sau khi chiếm trọn miền Nam VN Hồ Chí Minh và tay chân của ông ta đã tàn sát bao nhiêu người? Cánh đồng Killing Fields ở Campuchia với xương trắng lũ khủ là tội ác của ai? Mấy chục ngàn sĩ quan của Ba Lan bị mất xác trong tay của Stalin vẫn làm rùng mình khi người biết đến. Ông Fidel Castro, ngoài tội ác giết người không gớm tay, còn mang tội kèm hãm sự phát triển của dân tộc Cuba hơn nửa thế kỷ. Tại sao một người trí thức như Phạm Thị Hoài, mà tác phẩm của bà từng kh̀ông được phép phổ biến ở Việt Nam, Talawas của bà cũng bị chúng ngăn tường lửa phải dẹp, blog Pro & Contra của bà cũng bị dẹp luôn, thế mà trong bài viết của bà, không viết chữ nào về tội ác của Fidel Castro, của Hồ Chí Minh, mà lại vẽ ra những nét thu hút của những tay sát nhân mà trong chữ nghĩa của bà là "quyền lực vô hạn, ý chí vô song, cái tôi khổng lồ". Nhà văn Phạm Thị Hoài viết về quan hệ của Fidel Castro với những nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia cánh tả, viết về tri ngộ của Fidel với cặp triết gia Jean- Paul Sartre và Simone de Beauvoir, với nhà văn Garcia Marquez, với Arthur Miller, với Hemingway, khiến cho người đọc không nhìn nhân vật Fidel Castro như một tên bạo chúa giết người, mà là một người nghệ sĩ dễ thương với bộ râu rất đặc trưng, với tính hài hước, với cuộc đời đầy chất phiêu lưu, với bản lĩnh hùng biện, kiên trì, hoạt bát. Về ông Hồ, nhà văn PTH mượn câu thơ dỡ hơi của Lê Đạt "Mây trắng đền Hùng, râu Bác ung dung", và bức tranh "Bác Hồ làm việc ở Bắc Bộ Phủ" của họa sĩ Tô Ngọc Vân, để nói lên điều bà vẫn tin tưởng là Ông Hồ Chí Minh cũng là nhân vật thu hút người khác.

Như đã nói ở trên, tôi không hề lấy làm ngạc nhiên về sức hút, lực hấp dẫn của những lãnh tụ chính trị. Việc đó rất bình thường. Điều quan trọng là trong vai trò của một người cầm bút như nhà văn Phạm Thị Hoài, chữ nghĩa không nên được coi như trò chơi để bà có thể đùa nghịch, hãy dùng chữ nghĩa để mở ra những hiểu biết đích thực về đời sống. Dù thực tế của Fidel Castro là một người nghệ sĩ với những tính chất rất đặc biệt, nhưng trước hết, hắn là một kẻ sát nhân, một tay bạo chúa, thưa bà Phạm Thị Hoài.

09.12.2016




*

Ông già và chủ nghĩa xã hội huyền ảo

Phạm Thị Hoài - Càng xa Mạc Tư Khoa, ta càng gặp những người cộng sản giống chúng ta như những con người, triết gia lừng lẫy một thời Jean-Paul Sartre nói thế. Xa đế chế Sô-viết hơn cả, thuở đó, là Cuba. Chủ nghĩa xã hội nhiệt đới cha-cha-cha và vị lãnh tụ ngậm xì-gà dường như là phiên bản đỡ giáo điều hơn, cận nhân tình hơn, bớt nghiêm trọng hơn nguyên bản Siberia băng giá. So với Việt Nam, bán đảo tiền đồn cũng nhiệt đới của cách mạng vô sản thế giới ở đầu này, thì Cuba, hòn đảo cũng tiền đồn ở đầu kia có vẻ phóng khoáng vui tươi hơn vài bậc.

Fidel Castro 2006. Ảnh: dpa

Thời chúng tôi đi học ở các nước xã hội chủ nghĩa, Cuba và Mông Cổ là hai tấm vé hạng chót. Liên Xô hiển nhiên là hạng nhất, song Cộng hòa Dân chủ Đức được coi là thiên đường. Cuba nghèo, lạc hậu và anh hùng, toàn những điều Việt Nam có đủ dùng cho nhiều thế hệ. Nên tôi không thấy Cuba có gì đặc biệt hấp dẫn. Các bạn Cuba cùng trường cũng không phải là những tấm gương sáng. Họ học hành vừa phải, yêu đương hăng hái và nhảy nhót cuồng nhiệt, trong khi sinh viên Việt tuân lời răn của Đại Sứ quán: Đi nhảy là thiếu văn minh/ Là phản Tổ quốc, là khinh ông bà. Và tôi đã ngạc nhiên không ít trước tình yêu của giới trí thức cánh tả phương Tây dành cho cuộc cách mạng Cuba. Hay nói đúng hơn, dành cho Fidel Castro, như thể Fidel là Cuba và ngược lại. Hơn một nửa thế kỷ, vị Máximo Líder cao 1,91 m trong bộ quân phục màu ôliu của châu Mỹ Latin vừa qua đời đã là nhân vật mê hoặc hàng loạt nhà văn hàng đầu thế giới, bất chấp tất cả những tội ác đã ghi sổ của các nhà nước cộng sản gộp lại và Cuba nói riêng. Như thể chủ nghĩa xã hội ở Cuba, khác với nguyên bản hiện thực ở Đông Âu và châu Á, là phiên bản riêng của châu Mỹ Latin, một chủ nghĩa xã hội huyền ảo mà Gabriel García Márquez, đại diện hoàn hảo của trường phái văn chương hiện thực huyền ảo, trung thành đến trọn đời.

Bức tranh "Hồ Chủ tịch làm việc ở Bắc Bộ phủ (1946", 
của Tô Ngọc Vân- một điển hình của trường hợp nghệ sĩ bị mê hoặc.

Hồ Chí Minh cũng từng và chưa thôi mê hoặc rất nhiều văn nghệ sĩ Việt Nam và một số tác giả nước ngoài. Một người như nhà thơ Lê Đạt, hoàn thành trường ca Bác dịp giỗ đầu ông Hồ khi chính mình đang chịu nạn của chế độ mà vị lãnh tụ này đóng vai trò quyết định, với những câu rất Lê Đạt: Mây trắng đền Hùng/ Râu Bác ung dung… chắc chắn đã viết theo mệnh lệnh của trái tim riêng chứ không phải của Ban Tuyên giáo. Bức “Hồ Chủ tịch làm việc ở Bắc Bộ phủ” của Tô Ngọc Vân tuy xuất phát từ đề nghị của Hội Văn hóa Cứu quốc, song cảm xúc sâu đậm của họa sĩ trước người mẫu mãi mãi còn lại trên mặt vải. Ngay cả người có vẻ giữ một khoảng cách tỉnh táo, nhạc sĩ Phạm Duy, cũng không thể phủ nhận ấn tượng đặc biệt khi gặp ông Hồ thuật lại trong hồi ký.

Quyền lực tha hóa và cám dỗ. Quyền lực tuyệt đối tha hóa tuyệt đối và cám dỗ tuyệt đối. Thế kỷ hai mươi sinh ra một loạt những nhân vật thâu tóm toàn bộ quyền lực của một phong trào, một quốc gia hay thậm chí của cả một hệ thống vào riêng một cá nhân mình. Các nhà độc tài đó đều dán lên trán một ý chí mãnh liệt và đội trên đầu một cái Tôi khổng lồ. Trước ba thứ ấy cộng lại, một quyền lực vô hạn, một ý chí vô song và một cái Tôi vô cùng, bị khuất phục trước tiên là những kẻ thuộc giống nòi homo poeticus, nhất là khi nhà độc tài lại sính thơ phú văn chương. Pablo Neruda, Nobel 1971, không phải là nhà thơ duy nhất ca tụng Stalin ngoài Tố Hữu.

Fidel Castro tiếp Sartre và Simon de Beauvoir năm 1960. Ảnh: Alberto Korda

Nhà độc tài Cuba lại có nhiều hơn những thứ ấy. Ông có một vẻ ngoài quyến rũ không chỉ phụ nữ, rất nhiều phụ nữ. Khác với râu “Bác Hồ“ chỉ in dấu trong thơ ca Việt, râu Fidel và râu Che Guevara đã vĩnh viễn gắn mác cho cách mạng Mỹ Latin, như tóc Beatles ở phương Tây cho cách mạng văn hóa của giới trẻ. So với một phần nhỏ các cuộc phiêu lưu của Fidel, những bộ phim Indiana Jones của Hollywood thật nhạt nhẽo. Không lâu nữa câu chuyện người tình Đức của ông, nàng Marita đem thuốc độc của CIA vứt vào bồn cầu dù bị chàng bạc đãi, sẽ lên màn ảnh, để chúng ta thắt tim một lần nữa về tình yêu cứu rỗi trong khi chính trị chỉ biết oán thù. Ông có thể tự giễu mình và pha trò đầy trí tuệ, trong khi hài hước là hàng cấm tuyệt đối trên toàn cõi thị trường tư tưởng Mác-Lê. Có thể tiếp cặp bom tấn tri thức Sartre và Simone de Beauvoir hàng tiếng đồng hồ không hết chuyện, những người từng gặp từ Mao, Khrushchev đến Tito và hầu hết các lãnh tụ cộng sản khác chỉ trừ Hồ Chí Minh. Có thể đích thân đưa họ đi khắp Cuba bằng xe, bằng thuyền, bằng trực thăng và bày những trò nghịch ngợm khác xa sự cứng đờ đầy nghi ngờ cố hữu của giới lãnh đạo đỏ. Có thể tranh giải câu cá với Hemingway và nghiêm túc thuật lại ba ngày vật lộn trong Ông già và Biển cả, cho đến lúc ông lão Santiago phóng lao giết chết con cá kiếm khổng lồ. Có thể hùng biện đúng 7 tiếng 15 phút đồng hồ không nghỉ trước Liên Hiệp Quốc và thức thâu đêm tán chuyện với các nhà văn. Kịch tác gia Arthur Miller kể lại một chuyến thăm Cuba năm 2000, ông già Fidel 74 tuổi tràn đầy sức sống, đầu vẫn sáng, lưỡi vẫn dẻo, càng về khuya càng máu, trong khi người bạn chí cốt Gabo – Gabriel García Márquez – nhỏ hơn một tuổi đã thẳng lưng ngủ ngồi trên ghế bên cạnh từ lâu. Không ai hơn Gabo trong nghệ thuật ca ngợi Fidel. Từ lời tựa của ông cho cuốn Habla Fidel (1988) của nhà báo Ý Gianni Minà, tôi được biết: Ngoài vô vàn phẩm chất phi thường như mỗi sáng điểm tâm bằng 200 trang tin tức, hay khả năng miêu tả một trận đánh ở Angola như thể mình trực tiếp có mặt, Fidel còn nấu ăn cực khoa học và mỗi ngày tập thể dục mấy tiếng đồng hồ. Quả là một nhân vật như bước ra từ một cuốn tiểu thuyết của chính García Márquez. Vị trưởng lão cuối cùng, sống sót qua cả mùa thu của cách mạng Nam Mỹ, nay cũng theo người bạn quý ra đi.

Nhà văn Chile Roberto Bolaño trong cuộc đời ngắn ngủi của mình đã dành nhiều công sức đào mồ chôn đặc sản văn học của châu lục quê hương ông. Không ai còn có thể mất hồn vì những con thỏ ăn thịt đồng loại rượt đuổi những con bò khổng lồ trên đồng cỏ Nam Mỹ mênh mông nữa. Ông thấy những vụ quàng vai bá cổ của García Márquez với các nhà độc tài khắp năm châu bốc mùi khủng khiếp và văn học hiện thực huyền ảo còn bốc mùi nhiều hơn. Chủ nghĩa xã hội huyền ảo của Cuba, cũng một đặc sản Nam Mỹ, hẳn cùng chung số phận. Cuối cùng, với tất cả những lãng mạn xì-gà râu tóc, nó cũng chỉ là một phiên bản không mấy xa nguyên bản chính thống đã thuộc về lịch sử.

Trong ký sự Cuba đã dẫn, mười sáu năm trước, Arthur Miller nhận xét: Sau nửa thế kỷ nắm quyền, Fidel đã thành một sinh thể lộn thời đại. Một chiếc đồng hồ cổ chỉ sai giờ, cứ đêm khuya lại tùy tiện đánh chuông phá sự yên bình của cả xóm. Xóm nghèo Cuba, anh hùng, lạc hậu như thuở nào, tiền đồn của một hệ thống đã biến mất.

05/12/2016


-->


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo